Khi lựa chọn một mẫu loa, một trong những điều mà người dùng hay quan tâm là thông số kỹ thuật của loa. Đây cũng là một trong những cơ sở để lựa chọn mẫu loa phù hợp với những thiết bị còn lại trong bộ dàn cũng như sở thích hay phòng nghe của khách hàng. Tuy nhiên để hiểu hết được ý nghĩa các thống số kỹ thuật của loa thì không đơn giản chút nào, đặc biệt là đối với những khách hàng chưa có nhiều kiến thức về âm thanh.
Khi chọn loa, người dùng nên lưu ý đến những thông số kỹ thuật sau:
– Số đường tiếng
– Số lượng và kích thước của các driver
– Công suất và công suất đỉnh
– Độ nhạy của loa
– Trở kháng của loa
– Đáp tuyến tần số
– Kích thước và trọng lượng loa
Số đường tiếng
Một cách dễ hiểu nhất, số đường tiếng chính là số loại củ loa mà mẫu loa đó sở hữu. Các bạn nên lưu ý là “ số loại củ loa” chứ không phải là số củ loa. Ví dụ một mẫu loa có tới 3 củ loa con, tuy nhiên trong đó bao gồm 1 củ loa tweeter và 2 củ loa bass thì có nghĩa là mẫu loa này là loa 2 đường tiếng. Ngược lại, nếu 3 củ loa con của mẫu loa này gồm có 1 loa tweeter, 1 củ loa mid và 1 củ loa bass thì đây là loại loa 3 đường tiếng.
Với những mẫu loa thông thường thì thường có loa mid, loa bass, loa tweeter hoặc loa midbass. Tuy nhiên tại những mẫu loa siêu cấp thường có thêm củ loa super tweeter, lúc này loa sẽ thường có 4 đường tiếng.
Số lượng và kích thước của củ loa
Củ loa là một bộ phận quan trọng nhất của loa, nó được coi như quả tim của loa. Có tất cả 4 loại củ loa thường được dùng là củ loa subwoofer đảm nhiệm âm siêu trầm, củ loa midrange đảm nhiệm tần số trung, củ loa woofer đảm nhiệm âm trầm và củ loa tweeter đảm nhiệm âm tần số cao. Ngoài ra, tại một số sản phẩm loa cao cấp còn xuất hiện thêm củ loa super tweeter, củ loa này đảm nhận những âm thanh với tần số siêu cao. Hầu như các loại loa đều có nhiều củ loa, duy chỉ có loa siêu trầm là chỉ có duy nhất một củ loa subwoofer.
Mỗi loại củ loa sẽ cần một kích thước khác nhau. Ví dụ loa tweeter để có thể tái tạo những âm với tần số cao thì cần phải có kích thước nhỏ. Còn loa woofer thì cần có kích thước lớn, mục đích là giúp loa đẩy được lượng không khí lớn, tái hiện được những âm có tần số thấp.
Trên thực tế bạn cũng không cần thiết phải quá quan tâm đến thông số này của loa. Bởi nó không có ảnh hưởng nhiều đến khả năng phối ghép cũng như phòng nghe của bạn.
Công suất và công suất đỉnh
Công suất của loa có thể cho biết độ lớn âm lượng của loa và nó có đơn vị đo là watt (W). Công suất của loa tỉ lệ thuận với âm lượng của nó.
Công suất đỉnh chính là mức công suất lớn nhất mà loa có thể đạt được trong một thời gian ngắn nhưng không thể duy trì được trong thời gian dài như công suất thông thường.
Khi bạn chọn ampli, bạn cũng cần lưu ý tới công suất của ampli sao cho công suất của ampli nhỏ hơn hoặc bằng công suất của loa với điều kiện mức trở kháng của loa phải luôn bằng hoặc lớn hơn một chút so với trở kháng của ampli. Ngoài ra, bạn cũng thể dựa vào diện tích phòng nghe để chọn loa có công suất hợp lý, không nên chọn loa có công suất quá lớn hoặc quá nhỏ so với diện tích phòng nghe.
Độ nhạy
Độ nhạy chính là thông số để biểu hiện âm lượng của loa, nó có đơn vị là decibel (dB). Thông thường, một đôi loa thường có độ nhạy ở mức 80db – 90 db.
Để hiểu rõ hơn, các bạn có thể xem với từng độ nhạy, âm lượng của loa có thể phát ra là bao nhiêu trong khoảng cách là 1m ở bảng sau:
Sau đây là một số âm lượng mà bạn có thể bắt gặp:
40 db: Phòng khách rất im lặng
60 db: Hai người nói chuyện với nhau với khoảng cách là 1,5 m
80 db: Tiếng thét lớn của một người
90 – 100db: Tiếng tàu khi bạn đứng gần với đường ray
130 – 150 db: Tiếng của động cơ máy bay phản lực với khoảng cách của người nghe là 30m
Theo lý thuyết, nếu quãng đường âm thanh của loa được tăng lên gấp đôi thì âm lượng của loa sẽ giảm đi 6db. Đây là căn cứ giúp bạn tính được bộ loa phù hợp cho căn phòng của bạn có công suất là bao nhiêu.
Trở kháng
Đây là một trong những thông số phức tạp nhất trong thông số kỹ thuật của loa. Trở kháng cho biết tính chất giới hạn dòng điện đi vào loa, nó sử dụng đơn vị đo lường ohm.
Khi lựa chọn loa và ampli bạn cần lưu ý tới thông số này của cả hai, nếu bạn chọn không đúng rất có thể ampli của bạn sẽ bị cháy mạch. Thông thường một đôi loa có trở kháng từ 6 ohm – 8 ohm thì không cần phải lo lắng nhiều, với trở kháng này loa có thể phối với hầu hết các ampli. Nếu loa có mức trở kháng 4ohm thì bạn cần cẩn trọng khi phối ghép với ampli.
Trên thực tế, những đôi loa cao cấp thường có mức trở kháng khá thấp.
Đáp tuyến tần số
Đáp tuyến tần số hay chính là dải tần số của loa, nó cho biết khả năng tái tạo âm thanh của loa. Mức tần số thông thường mà con người có thể nghe thấy là từ 20hz – 20khz. Chính vì vậy, khi chọn loa bạn nên cố gắng chọn loa có thể tái tạo được âm thanh trong khoảng tần số này.
Kích thước và trọng lượng
Tùy vào diện tích phòng nghe cũng như sở thích của mình mà bạn nên chọn kích thước loa cho phù hợp. Kích thước và trọng lượng của loa chỉ là vẻ bề ngoài, quan trọng là chất lượng âm của chiếc loa đó. Ví dụ có rất nhiều mẫu loa booshelf nhỏ gọn nhưng lại cho âm thanh có chất lượng hơn những cặp loa đứng có kích thước lớn. Tiếp nữa là bạn cũng nên dựa vào diện tích của phòng nghe để lựa chọn, không thể phủ nhận các mẫu loa cao cấp, có tên tuổi thường có kích thước ở mức khổng lồ, tuy nhiên nếu căn phòng của bạn quá nhỏ nếu cố tình chọn những mẫu loa này nó sẽ khiến cho không gian phòng trở nên chập hẹp và chắc chắn không thể khai thác hết được khả năng của đôi loa này.
Thông thường, loa có trọng lượng càng nặng thì âm thanh của loa sẽ chính xác hơn, do nó có độ ổn định, tránh được những rung chấn khi hoạt động. Tuy nhiên, có nhiều loa có trọng lượng nhẹ nhưng âm thanh cũng rất thực và chính xác.
Tham khảo các dòng sản phẩm khác tại đây
Review Loa Dali Zensor 1AX & Dali Zensor 5AX
Nguyễn Lan